Sau đảo chính Đảo_chính_Campuchia_1970

Bài chi tiết: Cộng hòa Khmer

Ngày 23 tháng 3, Sihanouk soạn thảo bản tuyên bố kháng chiến và được Đài phát thanh Bắc Kinh truyền đi nhằm kêu gọi quần chúng nhân dân trong nước phát động một cuộc tổng nổi dậy chống lại chế độ Lon Nol. Các cuộc biểu tình của những người ủng hộ Sihanouk với quy mô lớn nhằm kêu gọi Sihanouk trở lại nắm quyền đã bắt đầu nổ ra ở Kompong Cham, TakeoKampot.[26] Riêng cuộc biểu tình ở Kompong Cham đặc biệt diễn ra trong làn sóng bạo lực nghiêm trọng, khiến hai vị phó chủ tịch Quốc hội là Sos Saoun và Kim Phon bị những người biểu tình giết chết vào ngày 26 tháng 3 sau khi lái xe đến thị trấn để thương lượng. Người em trai của Lon Nol là viên chức cảnh sát Lon Nil cũng bị đám đông công nhân đồn điền bao vây và sát hại ở thị trấn gần Tonle Bet. Báo chí phương Tây hồi đó chỉ viết về những sự kiện xảy ra tại những tỉnh miền Đông gần thủ đô Campuchia là nơi các phóng viên có thể tới được. Trong khi đó tại những vùng xa xôi chiếm một phần lớn lãnh thổ, chính quyền của Lon Nol không thể kiểm soát được tình hình trước sự nổi dậy của nông dân và những người trung thành với Sihanouk.[27]

Các cuộc biểu tình đã bị quân đội Campuchia hay còn gọi là Lực lượng Vũ trang Quốc gia Khmer trấn áp không nương tay, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt giữ. Một số nhân chứng nói rằng chính phủ còn sử dụng xe tăng để chống lại đám đông thường dân không vũ trang.[26] Trong khoảng thời gian từ ngày 26 đến 30 tháng 3 năm 1970 hàng trăm người tay không vũ khí đã biểu tình rầm rộ tỏ thái độ ủng hộ Sihanouk đã bị đàn áp dã man. Ngày 27 tháng 3, ít nhất ba mươi người đã bị bắn chết trên bến đò Neak Loeang cách thủ đô Phnompenh 50 km. Cũng trong ngày hôm đó, binh lính của Lon Nol dùng súng máy phòng không hạ thấp nòng bắn thẳng vào đám biểu tình ở Kampong Cham, làm chết ít nhất năm mươi người. Thêm năm mươi người nữa bị giết hại ở SnuolMemot gần khu vực biên giới tiếp giáp với Việt Nam.[28]